Văn hoá uống cà phê của người Sài Gòn lên báo Anh
Bài viết trên tờ Telegraph (Anh) nhận định văn hóa thưởng thức cà phê ở TPHCM không giống như ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Ở đây, cà phê là thức uống đem lại năng lượng cho người dân của cả một thành phố sôi động.
Điều đầu tiên một du khách cần phải học khi đặt chân tới TPHCM, đó là biết cách qua đường. Đó là một thử thách hóc búa đòi hỏi cả sự liều lĩnh lẫn khả năng tính toán chính xác những chuyển động ngang dọc, nhanh chậm…
Đối mặt với một dòng chảy bất tận những chiếc xe máy bon bon trên đường phố, những người cầm lái – tất cả đều đội mũ bảo hiểm và đeo khẩu trang, hình ảnh này có thể khiến bất cứ người nào mới đặt chân tới TPHCM đều phải hoa mắt, chóng mặt.
Sẽ mất một thời gian để người khách lạ phát hiện ra rằng đó là một dòng chảy điều hòa, rằng khi bạn bước lên một bước, dòng xe bằng cách nào đó sẽ tránh được bạn, không cần phải quá lo lắng và đứng chôn chân mãi ở một chỗ. Đây có lẽ là một trong những nét đặc trưng của TPHCM.
Đó là một thành phố mà những tòa nhà chọc trời vươn cao, chen lấn với những khu dân cư trung lưu – nơi những gia đình đưa cả sinh hoạt đời thường của nhà mình ra hè phố. Ở chân một tòa nhà cao tầng hiện đại, bạn có thể bắt gặp một cụ bà bán bún, phở bên chiếc xe đẩy nhỏ, như thể cuộc sống từ bao năm qua vẫn vậy, mới cũ đan xen như thế…
Ở TPHCM, bạn sẽ được tận hưởng một sự cân bằng kỳ lạ giữa những thái cực, hãy ngồi trên ban công của một căn nhà được biến thành cửa hàng cà phê. Bằng cách này bạn sẽ có thể thoát ra khỏi những ồn ào, náo nhiệt, để ngồi tĩnh lặng nhìn xuống con phố đông đúc bên dưới. Nhấm nháp ly cà phê, bạn hiểu phần nào năng lượng mạnh mẽ của thành phố này đến từ đâu.
Ở TPHCM, món cà phê truyền thống nhất là cà phê sữa đá, thoạt tiên, vốn đã quen với ly cà phê đắng, tôi không thể thích nổi vị ngọt của cà phê sữa đá, nhưng chỉ cần 3 ngày sau, tôi đã bắt đầu “nghiện” vị ngọt mát rất sảng khoái đọng lại nơi đầu lưỡi. Càng uống tôi càng hiểu nó rất phù hợp với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều ở nơi đây.
Cà phê bắt đầu phổ biến tại Việt Nam hồi cuối thế kỷ 19, về sau, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu cà phê nhiều nhất thế giới. Kể từ đây, Việt Nam bắt đầu đưa cà phê lên một đẳng cấp mới, thành đỉnh cao ẩm thực.
Bước vào nhiều quán cà phê, bạn sẽ thấy menu dài tới 5 trang với hàng chục cách pha chế cà phê khác nhau. Uống cà phê đã trở thành thói quen không thể thiếu hàng ngày của tôi khi lưu lại TPHCM.
Ăn tối ở một quán phở bình dân không tên, tôi nhận ra rằng bất kể TPHCM có thêm bao nhiêu tòa nhà cao tầng, bất kể có thêm bao nhiêu xe máy, thì những hương vị truyền thống đem lại cảm nhận về quá khứ của Việt Nam vẫn hiện diện trong ẩm thực của đất nước này. Đó là phở, là cà phê, là chợ cóc, các loại gạo thơm, hay các loại thảo mộc…
Người Việt Nam không tận dụng tủ lạnh triệt để, đơn giản bởi họ không thích đồ đông lạnh, ngày ngày họ đi chợ và mua những đồ ăn tươi mới. Ở đây, dù giàu hay nghèo, dù già hay trẻ, họ cũng đều tìm tới những quán ăn ven đường.
Thật thú vị khi thấy những bạn trẻ, tai đeo headphones, tấp xe máy vào lề đường để ăn vội bữa sáng, bên cạnh là những ông bà cụ vừa thong dong đi tập thể dục về, đang từ từ tận hưởng một buổi sáng chậm rãi…
Ở Việt Nam, ẩm thực là một môn nghệ thuật lâu đời, với những bí quyết được truyền từ đời này sang đời khác, trong ẩm thực, bạn sẽ bắt gặp bóng dáng của những người bà, người mẹ, những con người đã sống từ trước khi cuộc chiến tranh Việt Nam nổ ra – cuộc chiến tranh làm đứt đoạn những mùa gặt lúa trên đồng bằng sông Mekong…
Tôi mua cốc cà phê sữa đá cuối cùng để đến thăm Viện bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Ở đất nước này, mỗi người đều có câu chuyện của riêng mình, câu chuyện đó có liên quan tới chiến tranh.
Mỗi gia đình đều có người thân ra đi vì chiến tranh. Tuy vậy, người ta không còn nói về chiến tranh quá nhiều nữa, đối với họ, chiến tranh đã kết thúc, nhưng cũng không hẳn đã hoàn toàn đi qua. Những di chứng của chiến tranh vẫn còn âm thầm tồn tại.
Trên những con phố ồn ào, náo nhiệt của TPHCM kia, rất có thể một ai đó vẫn mang trong mình những câu chuyện đau thương từ một thời quá khứ, những vết thương âm thầm. Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh…
Tôi từ từ nhấp từng ngụm cà phê sữa đá, vị ngọt của nó có thể xóa nhòa vị đắng của những hình ảnh đau thương, mất mát tôi đang thấy trong viện bảo tàng…
Sưu tầm
No comments:
Post a Comment